Phan Thiết: Chùa Phật Ân Tổ Chức Lễ Hằng Thuận Cho Phật Tử Trẻ Trong Ngày Đầu Năm Mới

Sáng ngày 25/02/2024 nhằm ngày 16 tháng Giêng năm Quý Mão, tại Chùa Tỉnh Hội Phật Ân – số 33B Trần Phú, Phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lễ Hằng thuận cho hai Phật tử trẻ Phạm Xuân Huy (Pháp danh: Nhuận Hoàng) và Nguyễn Cẩm Phương Uyên (Pháp danh: Quảng Bình).

Quang lâm chứng minh buổi lễ có HT. Thích Minh Nhật - Ủy viên HĐTS, Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận, Trụ trì chùa Tỉnh Hội Phật Ân; Chư Tôn đức Tăng trụ xứ tại bổn tự; Chư vị nam nữ Phật tử; thân quyến hai họ của Tân lang và Tan nương đồng tham dự.

Đại diện thân sinh tân lang dâng lời tác bạch

Mở đầu buổi lễ, đại diện hai đấng sinh thành của cô dâu và chú rể đã có lời tác bạch lên Chư Tôn đức Chứng minh cũng như có lời căn dặn đến đôi bạn trẻ trong ngày trọng đại này.

Tại buổi lễ, tân lang và tân nương đã phát nguyện trước Tam Bảo, Chư Tôn đức Tăng và đại diện thân bằng quyến thuộc đôi bên sẽ yêu thương và chăm sóc cho song thân phụ mẫu, vợ chồng luôn sống trong đạo đức, yêu thương, hòa thuận và thuận đạo nghĩa vợ chồng mà Chư Phật đã dạy.

HT. Thích Minh Nhật ban đạo từ

Trước khi trao chứng nhận lễ Hằng thuận cho đôi bạn trẻ, Hòa thượng chứng minh đã có lời huấn từ chỉ dạy những bổn phận của người chồng và người vợ theo lời của Đức Phật đã dạy trong kinh Thiện Sinh.

Dưới sự chứng minh và chú nguyện của Hòa thượng và Chư tôn đức, đôi bạn trẻ đã lần lượt đeo nhẫn cưới cho nhau thể hiện sự sắc son, chung thủy, gắn bó và tin tưởng.

HT. Thích Minh Nhật trao chứng nhận lễ hằng thuận cho đôi bạn trẻ

Kết thúc buổi lễ, Chư Tôn đức Tăng đã thực hiện nghi thức tụng kinh cầu an và chúc phúc lễ Hằng thuận của hai Phật tử trẻ.

Lễ Hằng Thuận là một nghi thức lễ cưới theo truyền thống Phật Giáo, dưới sự chứng minh của Đức Phật Chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, đặc biệt là sự chúc mừng của 2 bên gia đình. “Hằng” là vĩnh hằng, thường xuyên, trường tồn; “Thuận” có nghĩa là hòa thuận, đồng lòng, cùng hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. “Hằng Thuận” là từ để chỉ cái đẹp của đạo nghĩa vợ chồng luôn sắc son, vẹn tròn, cùng hòa thuận, tin yêu.

Ý nghĩa của lễ Hằng Thuận đầu tiên là để giúp cho cặp đôi được phát nguyện thương yêu và che chở nhau suốt cuộc đời trước Tam Bảo và Chư Tăng Ni, Phật tử. Hơn nữa, tân lang và tân nương còn được Chư Phật, Chư tăng chứng minh và chúc phúc cho hôn lễ của hai người dưới một bầu không khí thiêng liêng, trang nghiêm và thanh tịnh.

Chư Tôn đức chứng minh

Đặc biệt, trong lễ Hằng Thuận, đôi uyên ương được Chư tôn đức nhắc nhở về đạo lý của vợ chồng và bổn phận làm con trong gia đình. Vợ chồng cùng nguyện luôn giữ gìn ngũ giới, sống có đạo đức, chung sống hòa thuận, nhường nhịn, thương kính nhau. Cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình đối với ông bà, cha mẹ và con cái. Đồng thời, làm tròn nghĩa vụ của một công dân với quê hương, đất nước, đời sống thực sự an vui, hạnh phúc và luôn hướng đến con đường chánh thiện.

Việc cả 2 trao Nhẫn thể hiện niềm hạnh phúc viên mãn, biểu hiện của sự gắn bó. Vợ chồng “hiểu” và “yêu thương” và cùng nhau vun đắp cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Trong kinh điển Phật giáo, người tại gia được đức Phật cho phép hưởng hạnh phúc trần đời với tình yêu và hôn nhân gia đình theo tinh thần một vợ một chồng. Việc tổ chức lễ cưới tại chùa thông qua nghi thức Lễ thành hôn là nhu cầu cần thiết, mang ý nghĩa văn hóa, đạo đức và tâm linh.

 

 

CTV Ban TT-TT Phật giáo Tỉnh